Chu Du S - cùng đi cùng cảm nhận

Chudus - Cùng đi cùng cảm nhận
Những di tích thời vua Gia Long đi trốn trên quần đảo Nam Du

Những di tích thời vua Gia Long đi trốn trên quần đảo Nam Du

07/23/2019
218 Lượt xem

Khác với dải dài ven biển miền Trung, biển ở đồng bằng miền Tây không nhiều nơi có cát trắng nắng vàng. Hầu hết đều bãi bùn và nước đục. Nên, khi dịch vụ ra đảo ngày càng dễ dàng với các tàu cao tốc có cả giường nằm thì dân miền Tây đổ xô đi chơi cuối tuần ở đảo.

Phú Quốc, Côn Đảo lừng danh Đảo ngọc nhưng giá cả mọi thứ quá đắt, chỉ hợp với đại gia (từ Bắc vào). Vì thế quần đảo Nam Du ở biển Kiên Giang bỗng thành điểm hot du lịch ngắn ngày. Các công ty du lịch chớp cơ hội mở các tour giá rẻ, chỉ 1,2  triệu đồng cho hai đêm ba ngày trên đảo- bao ăn ở. Vậy là các nhà nghỉ trên khắp hòn Lớn gần như kín khách suốt cuối tuần từ trước tết cho tới tận hết tháng 9.


Lẽ ra Nam Du phải được khai thác từ lâu hơn nhiều rồi mới phải, vì ngoài vị trí khá gần Rạch Giá (đi tàu cao tốc chỉ xêm xêm 3 tiếng), nó còn là quần đảo đặc biệt với 21 hòn đảo nằm rất gần nhau, dễ dàng di chuyển, có thiên nhiên đẹp đẽ và đặc biệt nhiều huyền tích về vua Gia Long thời cuối thế kỷ 18.

Cầu cảng chính hòn Lớn đón du khách vào khu vực sầm uất, giàu có nhất của đảo. Hai ba năm nay, nhờ lượng khách du lịch lấp kín đảo mỗi cuối tuần, một số dân đảo đã chuyển sang làm nghề dịch vụ, chủ yếu cho thuê nhà nghỉ + xe honda và bán hải sản, bán quán nhậu. Dưới tác động của khách du lịch, hòn Lớn chia làm hai nửa. Nửa giàu có nằm sát cầu cảng, lúc nào cũng tấp nập nhộn nhịp, hầu hết là nhà nghỉ và quán sá. Nhiều chủ nhà nghỉ vốn là ngư dân, có tiền nên làm chơi cho vui nào ngờ ăn thiệt.

Nửa còn lại mới đúng là đảo ngày xưa: vắng lặng, nghèo nàn, những ngôi nhà lụp sụp, nngười dân chiều chiều kê cái ghế nhỏ ngồi hóng gió dài dài trước nhà trò chuyện. Con nít tắm biển, nhảy nhót la hét chơi đùa. Nghèo, nhưng cái cảnh người ngồi bên nhau quây quần đầm ấm này y như một thế giới không smartphone mơ ước của nhiều người thị thành.

Hầu hết dân cư nửa này sống bằng cách đi làm thuê cho nửa bên kia. Họ bán quán, dọn dẹp nhà nghỉ, lái ghe đưa khách đi thăm các đảo. Châm biếm thay, cái nửa nghèo túng ấy lại mang cái tên cao sang vốn chỉ dành cho bậc vương giả. Nó tên là bãi Ngự. Do ngày trước, vua Gia Long trên đường trốn chạy quân Xiêm đã chạy đến hòn đảo này. Chiều chiều ngài hay ra ngồi trên bãi biển ngắm cảnh (và nhớ cố hương?) nên nó được mang tên bãi Ngự. Ngoài bãi còn có giếng Ngự, hồi xưa cấp nước cho ngài uống. Dân đảo người nói giếng Ngự đã bị lấp, người thì nói đến bây giờ nước ngọt vẫn dồi dào.


Cái tên hòn Củ Tron (tên khác của hòn Lớn) cũng là giai thoại thú vị. Huyền tích nói khi vua Gia Long trốn tránh ra đây, quân lính bị đói nên hỏi dân bản địa tìm cái ăn. Họ được chỉ một loại củ hình tròn, to thì bằng cái dĩa, nhỏ thì bằng nắm tay. Quân lính đào củ ăn, thấy lành và no bụng. Nhờ ơn củ tròn cứu sống, khi vua tai qua nạn khỏi liền cử quan ra đảo sắc phong tên Củ Tròn (nghe không hay chút nào, nhưng biết làm sao, miệng nhà sang có gang có thép!). Cơ mà ông quan sai, vốn dân Quảng Nam hay Huế chi đó, đọc mất dấu, dân miền Tây nghe thành Củ Tron. Dân biết sai nhưng không thể sửa lưng vị quan triều đình, nên đảo mang tên Củ Tron ngộ nghĩnh từ đó.

Theo những con đường nhỏ xíu ngoằn ngoèo trong bãi Ngự, thỉnh thoảng du khách lại được chiêu đãi một món đặc biệt. Một trong số đó là những tấm bảng vẽ tay duyên dáng và khác biệt trên tường nhà, nét chữ cũng là kiểu chữ thông dụng của khoảng bốn năm mươi năm trước, thông báo các địa danh của đảo rất thú vị.

Không rập khuôn và nhàm chán như cái tên hành chính như ấp 1 xã An Sơn huyện An Hải tỉnh Kiên Giang… chẳng nói lên đặc điểm gì, hòn Lớn vốn được chia làm những khu như sau: Bãi biển ngay cầu cảng là bãi Chệt, nhưng thỉnh thoảng bị viết sai là bãi Trệt. Mỗi câu chuyện về Nam Du nói một cách, nhưng tựu trung rằng:  khoảng thế kỷ 16, có nhiều đoàn tàu Trung Quốc và Hà Lan dọc ngang qua vùng biển này buôn bán. Một buổi sáng, dân hòn Lớn thấy nhiều xác người Hoa (vốn được gọi là các chú Chệt) đi buôn bị giết chết, xác trôi vào bãi. Họ đem chôn cất và bãi Chệt có tên từ sự tích này.

Qua bãi Khách theo mặt trước của đảo đi lên cao là Bãi Tuồng, bãi Giếng, Bãi cỏ lớn, Bãi cỏ nhỏ, bãi Sỏi, bãi Cây Mến nhỏ, bãi Cây Mến lớn, bãi Đá cháy nhỏ, bãi Đá cháy lớn, mũi Đá đen, Lùm Tranh, Bãi đất đỏ, mũi Đá trắng và cuối cùng, xa nhất là bãi Nhum.

Mỗi địa danh đều mô tả ngắn gọn nhưng đầy đủ nhất đặc điểm địa hình các vùng trên đảo.  Người dân nói sát cạnh bãi Chệt là bãi Khách và bãi Tuồng, nhưng giờ nhà cửa chen kín, tôi không phân biệt được. Bãi cỏ cũng vậy, giờ không thấy cỏ đâu nhưng trên biển số nhà của dân đảo vẫn ghi Bãi cỏ lớn, Bãi cỏ nhỏ, đầy thần sắc độc đáo  và gợi trí tò mò tìm kiếm.

Cũng thật lạ. Hòn Lớn, giống phần lớn các đảo khác trong quần đảo Nam Du là một hòn đảo đá như hòn núi nằm chơi vơi ngoài khơi, đất ít đến nỗi chỉ có một lớp mỏng những ngôi nhà nằm sát đường là có địa hình bằng phẳng. Những ngôi nhà bên trong buộc phải leo lên các bậc thang đá chon von tự tạo có khi dốc đến 60 độ hoặc hơn. Vậy mà đây đó, thiên nhiên lại tặng cho họ những bãi cỏ lớn nhỏ, thật kỳ diệu. Diệu kỳ hơn nữa là tuy đến giờ những bãi cỏ ấy chỉ còn trong địa danh, nhưng có thể thấy trước kia chúng cũng nằm sát mép sóng. Chứng tỏ chỉ cần cách ranh giới nước mặn có vài mét thì đã có những nguồn nước ngọt dồi dào dưới mặt đất của đảo, dồi dào đến mức nó nuôi dưỡng được những bãi cỏ và cả khu rừng xanh tốt.

Ngoài bãi Chệt, Bãi cỏ nhỏ và Bãi cỏ lớn, địa hình được mô tả trong những cái tên khác hầu như vẫn còn nguyên. Bãi Đá cháy nằm cạnh bãi Cây Mến, là một bãi toàn những tảng đen cháy lô nhô xâm xấp nước biển. Nhìn kỹ, vân trên đá đủ màu và biến đổi cực đẹp. Chỉ riêng bãi đá này, (nếu ai nuôi), tôi có thể lang thang vài tuần, từ sáng đến chiều, chỉ để ngắm đã mắt những tạo tác kỳ diệu đến vậy.

Bãi Cây Mến có hai cách giải thích: cách thứ nhất nói ngày xưa ở đây trồng nhiều cây mến, giống cây cau nhưng cao và to hơn. Nhưng một cụ ông 93 tuổi trông coi ngôi đền thờ Bà chúa xứ ở đây lại giải thích với tôi rằng mến nghĩa là trai gái mến nhau, ở đảo chỉ có bãi Mến là bãi đẹp, có bãi cát trắng mịn hình vòng cung và khá cách biệt với khu dân cư nên ngày trước trai gái tới đó hẹn hò, “yêu mến”. Về cụ ông và những người dân bãi Ngự có những câu chuyện hấp dẫn, tôi sẽ kể sau trong bài khác.


Mũi Đá đen và mũi Đá trắng nằm nhô ra biển, nhưng chỉ đi ghe từ ngoài biển vô mới dễ nhìn thấy. Tôi đi xe mát và đi bộ nên thôi bạn đành tưởng tượng theo lời kể của người dân bản địa vậy: Nó là hai cái mũi nhọn nhô ra biển, một mũi là đá trắng, một mũi là đá đen. Hết. Tới đây tùy bạn thêm thắt.

Lùm Tranh có lẽ xưa kia mọc nhiều cây tranh bịt bùng, giờ đang là một công trường xây khu nghỉ dưỡng, thấy lấp ló các bungalow trên sườn đồi. Xây khéo thì đẹp lắm đó. Bãi Đất đỏ nằm ở mặt sau của đảo,  phải theo một con đường ngắn nhưng dốc ngược và khá khuất lấp trong lùm cây, trượt xuống mới thấy. Như cái tên, đất bãi này màu đỏ rực, không hề giống các bãi khác. Dân kể giờ nó là sở hữu tư nhân của một đại gia đã từng mua bãi Cây Mến- bán nó lại cho “băng Hải Phòng”, rồi mua lại bãi Đất đỏ (nhỏ hơn, vị trí không đẹp bằng), mai mốt kinh doanh.

Bãi Nhum khó đi nhất và nguy hiểm nhất, nhưng cũng là con đường gây nhiều bất ngờ nhất.

Bình luận