PHÚ YÊN BÌNH DỊ - VÙNG ĐẤT THÂN THIỆN, BÌNH YÊN NHƯ KHI TA VỀ NHÀ!
Phú Yên có đường bay thẳng, đường xe lửa và rất thuận tiện về đường
bộ tính từ các trung tâm lớn như TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và các tỉnh lân cận. Chỉ khoảng hơn một giờ bay hoặc một đêm nằm ngủ trên xe khách, xe lửa từ TP. Hồ Chí Minh, du khách đã tới được Phú Yên.
Bình yên tại bãi Xếp - Tuy An
Phú Yên như một thung lũng chạy dài chừng một trăm hai mươi cây số đường quốc lộ 1. Ba mặt của nó là ba con đèo nổi tiếng:
Cù Mông ở phía Bắc, đèo Cả ở phía Nam và đèo Chư Sê ở phía Tây. Có thể hình dung địa thế này như một chiếc ghế mây ngồi ngắm biển thư giãn mà mặt lưng là dãy Trường Sơn hùng vĩ. Nằm trên con đường thiên lý mà xung quanh là những điểm du lịch nổi tiếng, nhưng vùng đất này suốt một thời gian dài lại thưa vắng du khách. Phú Yên chỉ là điểm dừng chân một chút, thậm chí là lướt qua chẳng mảy may nghĩ ngợi. Có lẽ vì vậy mà bây giờ nơi này trở nên hấp dẫn du khách bởi còn giữ được nét hoang sơ và vẻ đẹp của thiên nhiên vốn có. Khi người ta ngán ngẩm du lịch tới những đô thị đông đúc, Phú Yên trở thành điểm hiếm còn sót lại trên bản đồ du lịch biển Việt Nam.
Góc ảnh từ Tháp Nhạn hướng về sông Đà Rằng
Biển bình yên chứ không náo nhiệt như những nơi khác. Suốt gần hai trăm cây số bờ biển, Phú Yên sở hữu những bãi cát chạy dài khi màu trắng tinh khôi, lúc thì vàng óng xen lẫn những ghềnh đá. Biển đẹp nhưng không quá đông đúc. Không có cảnh chen chúc giành nhau từng chỗ đứng, chỗ tắm như Nha Trang, Đà Nẵng, Đồ Sơn… kể cả lúc cao điểm là các dịp lễ, Tết. Có những bãi biển đẹp đến nao lòng bởi bờ biển chạy dài đến ngút ngàn nhưng chỉ nghe tiếng reo của phi lao, tiếng sóng dạt dào hay những hàng dừa như mái tóc thề của người con gái đong đưa trong gió. Có người bảo, đi biển Phú Yên mà cứ như trở về ngồi trước hiên nhà đầy gió lộng.
. Hải đăng Mũi Điện nơi đón ánh nắng đầu tiên
Người miền Tây nếu lần đầu đặt chân tới Đất Phú chắc hẳn nhiều người sẽ “nhìn bà con” bởi vừa xuống đèo Cả đã chạm mắt vào những cánh đồng lúa bát ngát. Ngồi trên máy bay chuẩn bị đáp xuống phi trường Tuy Hòa sẽ thấy những ô đất như bàn cờ mang màu xanh lá mạ hay màu vàng óng ả của lúa chín. Nếu miền Tây là vựa lúa của Việt Nam thì Đất Phú là vựa lúa của miền Trung. Trên những cánh đồng lúa là những nếp nhà, chòm dừa, ao cá… rất ĐBSCL. Bởi thế, những cảnh quay trong bộ phim ăn khách “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” có nhiều bối cảnh đồng lúa, ụ rơm, cây cầu ao, mái nhà nhỏ… làm nao lòng khán giả mà người xem tấm tắc “sao giống miền Tây xứ tui quá!”. Đồng lúa mênh mông đó nhưng chạy xe vài mươi phút là gặp núi, vài phút là gặp biển. Núi và biển cứ chạy song song, giữa là đồng lúa trù phú và làng mạc rất đỗi thân thương của miền Trung nắng gió.
Gành Đá Đĩa kiệt tác tự nhiên ban tặng cho Phú Yên
Trong số những ghềnh đá ven biển được kiến tạo độc đáo, có gành Đá Dĩa gây ngạc nhiên đối với du khách. Trồi lên từ biển cả, những vết đứt gãy vô tình tạo nên những cột đá như những chồng dĩa cao chất ngất đứng cạnh nhau. Bởi sự độc đáo hiếm có, gành đá này được xếp hạng Danh thắng cấp Quốc gia. Gành đá tuế nguyệt triệu năm này luôn là niềm cảm hứng sáng tạo của các họa sĩ, nhiếp ảnh. Gần đó là Hòn Yến được hình thành ngoạn mục như cô gái giận dỗi xô khỏi người yêu là bãi đá gần đó để ra đi về hướng biển. Hay Gành Ông chạy dài miên man khoác tấm áo xanh màu cỏ non điểm tô những cụm xương rồng gai tua tủa. Giữa những gành đá là những bãi biển cát mịn màng ôm làn nước xanh trong. Đặc biệt, Mũi Điện là cánh tay Trường Sơn với ra biển để “cầm” ngọn hải đăng định hướng cho thủy thủ thương thuyền, ngư dân đi qua vùng biển này.
Nước biển tong xanh, yên sóng ở Vũng Rô
Trong lịch sử hơn 500 năm hình thành và phát triển, Đất Phú được người Pháp biết tới từ rất sớm. Trên vùng đất này, ngoài những dấu vết từ kinh tế đồn điền, công trình thời Pháp, còn có nhà thờ Mằng Lăng tồn tại trên 125 năm. Công trình mang kiến trúc cổ điển đối xứng giản dị nhưng uy nghi và cổ kính. Theo thời gian, công trình được trùng tu, tôn tạo nhưng vẫn giữ kiến trúc nguyên thủy của một trong những nhà thờ cổ nhất Việt Nam. Trước ngôi giáo đường, có một hang động nhân tạo. Tại đây, du khách được đọc cuốn sách chữ Quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam được in tại Rome vào năm 1651 do ông Alexandre de Rhodes biên soạn. Đây là cuốn sách có giá trị lịch sử quý giá hiếm có của Việt Nam được giữ gìn cẩn trọng./.
Bình luận